Cho dù đi nước ngoài vì lý do gì thì bạn cũng phải có trong tay địa chỉ và số điện thoại của Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại nước bạn đến. Đây là nơi mà bạn sẽ phải liên hệ trong trường hợp bị mất hộ chiếu, hoặc nhờ can thiệp hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến luật lệ nước sở tại. Bạn có thể truy cập thông tin này tại website của Bộ Ngoại Giao www.mofa.gov.vn, mục cơ quan đại diện, tiểu mục cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Một địa chỉ và số điện thoại khác mà bạn cũng phải ghi lại là văn phòng đại diện của Hãng Hàng không mà bạn mua vé máy bay – nơi sẽ giải quyết mọi yêu cầu liên quan đến chuyến bay về của bạn.
Tùy vào thời gian trong năm và nước đến mà bạn sẽ quyết định cần mang theo loại trang phục nào cho phù hợp. Ví dụ vào tháng giêng ở Thái Lan thời tiết ấm áp nhưng tại Bắc Kinh nhiệt độ có thể xuống dưới không độ. Nếu đi vào mùa mưa, bạn nên mang theo áo mưa hoặc loại dù xếp được để có thể bỏ gọn vào vali. Một lưu ý khác là bạn nên chọn loại giày thấp, đã đi quen chân vì ở nước ngoài bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều. Tốt nhất bạn nên mang giày thể thao vì chúng vừa có độ bám tốt lại rất nhẹ nhàng.
Bạn nên mang theo một số loại thuốc thông dụng bao gồm: thuốc cảm mạo thông thường, thuốc phòng các chứng say tàu xe, thuốc trị các chứng đường tiêu hóa (ăn không tiêu, đau bụng, tiêu chảy…), thuốc chống dị ứng (đặc biệt là những người bị dị ứng với món ăn hải sản), dầu gió hoặc dầu nóng. Với các loại bệnh mãn tính hoặc bệnh cần thuốc đặc trị, thuốc phải uống hàng ngày bạn nên mang theo với liều lượng “nhiều hơn” thời gian bạn ở tại nước ngoài. Lý do là bạn có thể phải ở lại lâu hơn thời gian dự kiến (vì những sự cố vào giờ chót) và khi đã uống hết thuốc mang theo, bạn sẽ rất khó tìm đúng loại thuốc đã mua ở Việt Nam vì mỗi nước đặt tên thuốc theo cách khác nhau.
Nếu bạn là phái nữ, có lẽ sẽ cần mang thêm những vật dụng cần thiết khác: bộ trang điểm, dầu gội đầu, sữa tắm, lược, kem và bàn chải đánh răng, máy sấy tóc, bàn ủi du lịch, băng… vệ sinh… Tùy theo tập quán các nước và theo hạng khách sạn, những vật dụng này có thể có mà cũng có thể không có sẵn trong phòng. Trường hợp không có, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm mua theo nhu cầu của riêng mình (đặc biệt là mục cuối) và giá cả chắc chắn mắc hơn Việt Nam.
Thức ăn nước ngoài có thể không hợp khẩu vị với bạn. Các khách sạn thường bố trí ăn “búp phê” vào bữa điểm tâm, còn các bữa ăn khác thì thường là ít mặn, ít cay, ít béo, hoặc dùng đường để nêm nếm món ăn thay cho bột ngọt. Trong khi đó, người Việt Nam ta trong bữa ăn thường phải có nước chấm (đặc biệt là nước mắm), có ớt đỏ càng cay càng tốt. Do vậy, nếu bạn thuộc “trường phái” nói trên thì có thể mang theo các món ăn khô như thịt chà bông, mì gói để “chống càn” trong trường hợp không thể ăn được món ăn nước ngoài.
Có những thứ không thể chuẩn bị ở Việt Nam nhưng khi đến sân bay nước ngoài bạn cần phải lấy là bản đồ thành phố, bản đồ du lịch hoặc các tờ thông tin, hướng dẫn du lịch. Trong đó sẽ có những thông tin hết sức cần thiết cho bạn, ví dụ như thông tin về các phương tiện vận chuyển (giá cả, bến bãi, lộ trình,…), các số điện thoại hữu ích, địa điểm cung cấp các dịch vụ, các điểm tham quan, các siêu thị, khách sạn… Có thể những thiết bị dùng điện mà bạn mang theo có phích cắm (hai chấu) không phù hợp với ổ cắm được thiết kế trong khách sạn (ba lỗ, lỗ cắm xéo,…). Điều này không sao cả, bạn chỉ cần yêu cầu tiếp tân khách sạn cho bạn mượn một ổ cắm chuyển đổi từ 3 lỗ sang 2 lỗ là xong ngay.